The Vietnamese language newspaper, Người Việt, recently wrote an article about long-time BRIDGES member and current OC Human Relations Council Director Kathy Tran. Kathy became involved with OC Human Relations while at middle school and has become a true community-leader. The Người Việt article is reproduced below.

Kathy Trần: “Học gấp đôi để mẹ không phải làm 12 tiếng mỗi ngày”
Thursday, January 03, 2013 4:28:53 PM
Thiên An/Người Việt

SANTA ANA (NV) – Tuy nhiều người biết đến Kathy Trần qua thành tích học tập và sinh hoạt cộng đồng đáng nể, vì nụ cười luôn rạng rỡ của cô gái 17 tuổi này, ít ai biết được rằng cha và anh cô có bệnh, mẹ làm nghề cắt tóc, một mình lo cho cả gia đình trong suốt hơn mười lăm năm qua.

Kathy Trần (giữa) là một trong những đại diện của Ủy Ban Hòa Giải Quận Cam phát biểu trước 600 thầy cô và học sinh tại Ðại Học Irvine. (Hình: Kathy Trần cung cấp)

Kathy Trần (giữa) là một trong những đại diện của Ủy Ban Hòa Giải Quận Cam phát biểu trước 600 thầy cô và học sinh tại Ðại Học Irvine. (Hình: Kathy Trần cung cấp)

Thân phụ của Kathy từng là một chiến sĩ của quân đội VNCH. Ông Trần Thành Long cùng vợ và hai con trai đến Hoa Kỳ theo diện H.O. những ngày cuối năm 1993. Kathy Trần là người con duy nhất trong gia đình được sinh ra tại Mỹ.

Sau khi ông Long mắc bệnh đục thủy tinh thể khiến mắt trái bị hư hại, bà Trần Quý trở thành nguồn chu cấp duy nhất cho cả gia đình, bằng nghề cắt tóc. Người con trai lớn của hai ông bà có bệnh không thể học lên đại học, cả nhà đặt tin tưởng và hy vọng vào người con trai giữa và cô con gái út.

Bà Quý chia sẻ: “Chỉ mong con cái học hành tới nơi tới chốn, dù đi làm đứng suốt mười tiếng cũng chỉ cần lo được cho tụi nó.”

Cha mẹ Kathy Trần chắc hẳn không thất vọng khi được chứng kiến những thành tích vô số kể trong học tập cũng như trong các sinh hoạt cộng đồng của con mình.

Các giải thưởng của Kathy không chỉ ở trong địa phương, như giải Violet Richardson Award hay học bổng Simon Scholar, mà còn bao gồm những giải thưởng tầm vóc quốc gia, như Questbridge Finalist hay Nordstrom Scholarship Semi-Finalist.

Về những nỗ lực không ngừng của bản thân, ngoài một tâm huyết thay đổi tình hình cộng đồng và xã hội, Kathy Trần nhắc đến mẹ như là một nguồn động viên và tấm gương giúp cô luôn vững bước cố gắng.

Kathy Trần (giữa) là một trong những đại diện của Ủy Ban Hòa Giải Quận Cam phát biểu trước 600 thầy cô và học sinh tại Ðại Học Irvine. (Hình: Kathy Trần cung cấp)

Kathy Trần (giữa) là một trong những đại diện của Ủy Ban Hòa Giải Quận Cam phát biểu trước 600 thầy cô và học sinh tại Ðại Học Irvine. (Hình: Kathy Trần cung cấp)

“Di cư từ Việt Nam, mẹ em đi làm mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ với hy vọng một ngày nào đó sẽ mua được nhà cho cả gia đình. Từ lúc cha em bị bệnh hơn 15 năm nay, một mình mẹ đi làm nuôi ba anh em em.”

Kathy nói tiếp: “Nhìn mẹ vất vả lo cho ba anh em, em tự nhủ phải học gấp đôi, học xong đi làm, mua cho mẹ một ngôi nhà, một ngôi nhà mà cả gia đình luôn mơ ước.”

Kể về Kathy, vị chủ tịch đồng thời là người sáng lập Ủy Ban Hòa Giải Quận Cam (OC Human Relations Commision), ông Rusty Kennedy, nói với nhật báo Người Việt:

“Kathy là một cô gái tuyệt vời, cô đã giúp tổ chức Human Relations trong nhiều năm dù tuổi còn rất nhỏ. Gần đây, cô đại diện tổ chức, phát biểu trước hơn 600 giáo viên và học sinh tại Ðại Học Irvine.”

Kathy là học sinh duy nhất đại diện cho giới trẻ trong hội đồng quản trị của Ủy Ban Hòa Giải Quận Cam. Hơn nữa, ủy ban này chỉ là một trong số nhiều tổ chức, hội đoàn mà Kathy Trần tình nguyện giúp, nhóm Nữ Hướng Ðạo 997 hay hội học sinh Key Club là một vài ví dụ.

“Từ nhỏ nó đã tự lập. Muốn làm gì thì sẽ mày mò làm cho bằng được,” ông Thành Long nhớ lại ngày còn bé của Kathy, “bài vở nó viết thường được cô dùng làm mẫu cho những học sinh khác”.

Bên cạnh các công tác xã hội, cũng như nhiều học sinh xuất sắc gốc Việt, Kathy lấy những lớp học nâng cao dành cho học sinh giỏi và tham gia vào dàn nhạc giao hưởng và đội bơi thi đấu cho trường học, hiện là trường trung học Los Amigos.

Ông Long cho rằng thành công của cô con gái út có được là nhờ “không bao giờ chịu bỏ ngang, nếu cần, nó không ngủ, thức tới sáng để hoàn thành cho xong công việc”.

Nhân lúc được nghỉ học những ngày lễ cuối năm, Kathy dùng thời gian này để viết đơn xin đại học.

“Em muốn học luật để thay đổi xã hội theo hướng tích cực. Mỗi ngày, chúng ta lại phải đối diện với một vấn đề mới,” Kathy nói, “có quá nhiều luật để trừng phạt, trong khi luật để ngăn chặn tội ác thì không đủ.” Giọng nói trong trẻo của cô nữ sinh lớp 12 nói lên những suy nghĩ vượt xa với lứa tuổi của cô.

Kathy Trần (giữa) cùng cha mẹ sau một buổi sinh hoạt hướng đạo. (Hình: Kathy Trần cung cấp)

Kathy Trần (giữa) cùng cha mẹ sau một buổi sinh hoạt hướng đạo. (Hình: Kathy Trần cung cấp)

Sắp xa gia đình chuyển lên đại học, Kathy chia sẻ: “Em sẽ nhớ món bún bò Huế lắm, vì không biết nấu. Mẹ dạy em nhiều món như canh bí hay bò lúc lắc, nhưng em vẫn chưa học được món bún bò.”

Cha của cô, ông Long, nói: “Dù tin tưởng vào sự tự lập của Kathy, nhưng gia đình sẽ nhớ nó nhiều. Con gái một mà.” Bà Quý nói thêm: “Gia đình luôn tự hào về em.”

Trong đơn xin vào đại học, Kathy có lẽ cần nhiều trang để viết ra hết những thành tích và giải thưởng mà cô có được. Dù Kathy sẽ vào trường đại học nào đi chăng nữa, bất kỳ ai cũng phải cảm phục sự vượt khó và tâm huyết dành cho cộng đồng của cô gái trẻ gốc Việt.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=159952&zoneid=3#.UO2kdG88CSo

1 Comment
  1. Thank you for the article OC Human Relations! I am honored to work with a great organization that has shaped me to become the leader that I am today.